Subscribe:

Có biệt thự là phải đóng thuế: Trách nhiệm của đại gia

Không đóng thuế không bảo vệ tài sản
Việc tồn tại hàng loạt những biệt bỏ hoang đã gây lãng phí lớn cho ngân sách, vừa làm xấu mặt đô thị, lại dễ trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN khẳng định đã đến lúc phải tính phương án thu thuế tài sản (thuế sở hữu) nhằm hạn chế tình trạng mua nhà rồi bỏ đấy đồng thời là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. 
Co biet thu la phai dong thue: Trach nhiem cua dai gia
Ảnh minh họa
Về loại hình này, nước ngoài đều gọi chung là Luật Tài sản, Trung Quốc gọi là Luật Quyền pháp hay còn gọi là Luật Vật quyền nhằm xác định quyền sở hữu và trách nhiệm bảo vệ quyền sở hữu tài sản tư nhân.
Theo ông Liêm, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân là quan trọng nhất để xác lập một cơ chế hướng tới nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện chưa có một luật riêng nào quy định như vậy. Vì thế, ông nhấn mạnh, cái ông hướng tới là Luật Thuế - tài sản (tức là đánh thuế vào quyền sở hữu tài sản tư nhân).
Theo quan sát của vị chuyên gia, Trung Quốc và nhiều nước khác đều giải thích, muốn bảo vệ quyền sở hữu tư nhân thì nhà nước phải có tiền. Với việc thu thuế, cơ quan quản lý nhà nước công nhận quyền sở hữu tài sản của cá nhân đó và có trách nhiệm bảo vệ tài sản đó sau khi người đó đóng thuế.
Ông Phạm Sỹ Liêm phân tích: ''Mục đích đầu tiên của Luật này là bảo vệ quyền sở hữu tài sản tư nhân.
Thứ hai, tạo sự công bằng trong xã hội, người có tài sản lớn hơn phải đóng thuế nhiều hơn người có ít tài sản. Bởi lẽ, người có tài sản lớn, biệt thự to, có xe hơi đòi hỏi có đường lớn, hạ tầng, giao thông thuận lợi, dịch vụ, điện nước đầy đủ... Nghĩa là nhà nước phải đầu tư nhiều hơn để phục người giàu, trong khi, người giàu chỉ đóng thuế như người nghèo, như vậy là bất công.
Thứ ba, không thể có chuyện người dùng nhiều hay dùng ít đều phải chịu mức thuế như nhau, đóng góp như nhau. Vì vậy, thu thuế tài sản chính là cách điều tiết thu chi của người giàu sang cho người nghèo.
Thứ tư, thuế tài sản chủ yếu thực hiện ở đô thị, thành phố như vậy sẽ tạo được nguồn thu rất lớn cho thành phố. Theo kinh nghiệm thế giới ở những thành phố không có kinh doanh, ít nguồn thu thì thuế tài sản này có thể chiếm tới 60% nguồn thu toàn thành phố.
Ở VN, tính riêng hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có nguồn thu lớn từ các đơn vị kinh doanh, sản xuất thì thuế tài sản cũng chiếm tới 30% nguồn thu của thành phố. Như vậy, đây sẽ nguồn thu rất lớn để phục vụ cho đầu tư, xây dựng hạ tầng thay vì phải đi vay ODA như hiện nay''.
Cứ có nhà là thu thuế
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, cách đây vài năm, Bộ Tài chính đã lên tiếng với 3 phương án tính thuế đối với biệt thự bỏ hoang. Cụ thể, với phương án 1 là sau khi xác định biệt thự nào bị bỏ hoang, không sử dụng thì thu thuế theo tỷ lệ tùy thuộc vào thời gian bị bỏ hoang với mức thuế từ 5-10%.
Phương án 2 theo Bộ Tài chính là sau ngày 1/1/2012, khi Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp bắt đầu có hiệu lực, có thể căn cứ vào quy định đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định áp dụng mức thuế suất 0,15% tổng giá trị.
Hà Nội cũng đã tính tới phương án “mạnh tay” hơn với việc quyết định sẽ đánh thuế biệt thự bỏ không. Hà Nội đưa ra mức áp thuế theo thời gian lũy tiến. Cụ thể, biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm mà biệt thự đó vẫn bỏ hoang thì sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị biệt thự. Đồng thời, TP còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Ngoài việc đánh thuế cao với mức tỷ lệ % dự kiến như trên, Bộ Tài chính còn đề xuất xử phạt hành chính biệt thự bỏ hoang với chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt là 10 - 20 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, đề xuất trên không được sự đồng tình từ dư luận.