Subscribe:

Thử thách cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama

Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày thăm Trung Đông, Anh và Đức của Tổng thống Mỹ Obama.
Ông Obama đang bước vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình và ông đang cùng bà Merkel, lãnh đạo một trong những quốc gia đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cố gắng thống nhất các điều khoản trong Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1 năm tới.
Thu thach cuoi nhiem ky cua Tong thong Barack Obama
Tổng thống Obama phát biểu tại Anh. Ảnh: AP
Dự kiến, tại Hannover, ông Obama sẽ phát biểu tại một hội nghị thương mại công nghiệp lớn cùng với bà Merkel. Lãnh đạo hai nước hiện đang muốn khởi động TTIP giữa Mỹ và EU, nếu được ký kết hiệp định này sẽ thúc đẩy nền kinh tế hai bên lên thêm 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng khi nhiều người châu Âu và Mỹ đang lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm và ảnh hưởng đến mức sống của họ. Các số liệu cho thấy lực lượng ủng hộ TTIP tại cả Mỹ và Đức đang có dấu hiệu sụt giảm.
Theo khảo sát của Quỹ Bertelsmann được tiến hành bởi YouGov, chỉ có 17%  người Đức tin rằng TTIP là một tín hiệu tốt, giảm tới 55% so với hai năm trước đây. Tương tự, tại Mỹ, số lượng ủng hộ thỏa thuận là 18%, giảm đáng kể so với 53% trong năm 2014. Gần một nửa số người được hỏi ở Mỹ nói rằng họ không có thông tin đầy đủ về các thỏa thuận này để đóng góp ý kiến.
Tại thành phố Hannover, hàng ngàn người biểu tình đã giương cao những biểu ngữ có nội dung như “Nói không với TTIP” và đã tuần hành trên nhiều tuyến phố để bày tỏ sự phản đối của mình đối với thỏa thuận thương mại trên.
Có vẻ như chuyến công du các nước đối tác của Tổng thống Mỹ Barack Obama không được như kỳ vọng.
Trước chuyến thăm Đức, ông Obama đã ở thăm Anh trong 3 ngày. Tại đây, ông kêu gọi người dân xứ sở sương mù bỏ phiếu ủng hộ nước Anh ở lại mái nhà chung châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6 tới.
Tuy nhiên, những nhà vận động chống EU, như thị trưởng London Boris Johnson, đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Obama là “đạo đức giả”.
Lãnh đạo đảng Độc lập Anh Nigel Farage cũng chỉ trích ông Obama, cho biết “thỏa thuận thương mại tất nhiên là phục vụ lợi ích các quốc gia liên quan” chứ không liên quan đến việc Anh có là thành viên của EU hay không.
Trong khi đó, trong chuyến thăm Saudi Arabia hôm 20/4, Tổng thống Obama đã được đón tiếp khá lạnh nhạt, theo tờ Der Spiegel của Đức.
Theo báo Đức, khi máy bay của Tổng thống Mỹ hạ cánh tại sân bay, Quốc vương Ả Rập không tới đón ông (như từng làm với cựu Tổng thống George W. Bush) mà thay vào đó chỉ cắt cử một phái đoàn nhỏ do Thống đốc Riyadh dẫn đầu, CNN đưa tin cho hay.
Quốc vương Ả Rập Saudi chỉ gặp gỡ Tổng thống Obama khi ông tới cung điện Erg, nơi tổ chức một cuộc hội đàm song phương giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao.
Truyền thông Ả Rập Saudi cũng không phát sóng cảnh quay máy bay của ông Obama hạ cánh và đi tới cung điện.
Trong khi đó, một ngày trước khi ông Obama tới thăm, Vua Salman đã đích thân ra sân bay đón tiếp các nhà lãnh đạo của các nước vùng Vịnh.
Chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh, Mustafa Alani, nói với AP rằng việc các quan chức cấp cao của Ả Rập Saudi không đích thân tiếp đón Tổng thống Mỹ tại sân bay có thể là dấu hiệu cho thấy Riyadh không tin tưởng ông Obama.
Theo ông, Ả Rập Saudi lo ngại rằng Washington đang cải thiện quan hệ với đối thủ của họ là Iran. Nguyên do là trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Obama đã gọi Ả Rập Saudi là đồng minh và đề nghị Riyadh chia sẻ Trung Đông với Tehran. Phía Ả Rập Saudi đã xem đề nghị này là một sự xúc phạm.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ gần đây cũng nhận được nhiều lời chỉ trích từ phía Ả Rập Saudi do xem xét hạn chế bán vũ khí cho Riyadh và dự định công bố các tài liệu mật có thể tiết lộ về sự tham gia của quốc gia này trong vụ khủng bố ngày 11/9.